Đăng lúc: 14:26:03 24/07/2017 (GMT+7)

Chất lượng đào tạo là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của trường trung cấp nghề Thương mại Du lịch

Cũng như bao thế hệ thầy cô và các lớp học trò của trường, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống 55 năm phấn đấu xây dựng, để giờ đây Trường Trung cấp Nghề (TCN) Thương mại Du lịch Thanh Hóa trở thành một trong những cơ sở đào tạo nghề ở lĩnh vực thương mại, du lịch, công nghiệp có uy tín không chỉ trong tỉnh.

55 mùa xuân đã qua đi, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song được chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, ngành chức năng, tập thể cán bộ, giảng viên và người lao động của nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực sự là “cái nôi” cung cấp nguồn nhân lực không chỉ cho ngành Du lịch tỉnh Thanh, mà còn là nơi đào tạo nên những người thợ lành nghề cho ngành công nghiệp của tỉnh, góp phần vào sự nghiệp CNH, HĐH quê hương.
Chỉ tính riêng trong năm học 2010 - 2011 (tính đến ngày 31-11-2011), nhà trường đã tổ chức tuyển sinh đào tạo 585 học sinh hệ trung cấp, 326 học sinh hệ sơ cấp, liên kết đào tạo trình độ cao đẳng nghề 181 sinh viên, dạy nghề dưới 3 tháng là 6.579 học sinh. Bên cạnh việc quan tâm đến công tác đào tạo những ngành nghề chủ yếu, nhà trường cũng chú trọng mở thêm các ngành nghề mới nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và xã hội, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Kỹ thuật nổ mìn lộ thiên, điện công nghiệp và dân dụng, sửa chữa và khai thác các thiết bị cơ khí, công nghiệp hóa chất... Triển khai các bước thủ tục pháp lý để liên kết đào tạo hệ cao đẳng thuộc các chuyên ngành: công nghiệp hóa chất, công nghệ thông tin... với các Trường Cao đẳng Công nghiệp hóa chất, Trường Cao đẳng nghề Thăng Long, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Khách sạn Du lịch Hải Dương, Đại học FPT...
Xây dựng chương trình khung đào tạo 15 nghề hệ trung cấp và 5 nghề hệ sơ cấp thuộc các ngành đào tạo mới, trình Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB & XH) xin bổ sung cấp phép đăng ký hoạt động dạy nghề.
Xác định chất lượng đào tạo là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà trường,  ban đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo các tổ bộ môn đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, cải cách chương trình, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cho các chuyên ngành đào tạo phù hợp, bảo đảm đạt chuẩn theo chương trình khung của Bộ LĐ-TB & XH, theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế và đặc thù riêng có của nhà trường. Với phương châm đó, nhà trường đã chú trọng đến việc thay đổi phương pháp truyền đạt của giáo viên tới học sinh. Trong giảng dạy lý thuyết, không được quá nhấn mạnh vào ghi nhớ kiến thức theo kiểu thuộc lòng, không được biến học sinh, sinh viên (HSSV) thành những “thợ chép” mà phải sử dụng kỹ năng học tích cực, chủ động; có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh để các em nắm kiến thức một cách tự nhiên nhưng bền vững. Trong dạy thực hành lại càng phải phát huy sự chủ động sáng tạo của học sinh, giáo viên chỉ là người định hướng để các em khám phá, luyện tập và sáng tạo. Có như vậy, khi rời khỏi ghế nhà trường các em mới đáp ứng được sự đòi hỏi khắt khe của các doanh nghiệp hoặc có khả năng tự tạo việc làm cho mình.
Năm 2011, nhà trường đã tổ chức cho 100% giáo viên tham gia hội giảng cấp khoa và lựa chọn được 14 giáo viên tham gia thao giảng cấp trường. Thông qua hội thi, hội đồng thẩm định giáo viên cấp trường đã lựa chọn được 4 giáo viên  tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và kết quả tại hội giảng giáo viên dạy nghề các cấp toàn tỉnh năm 2011, Trường TCN Thương mại Du lịch Thanh Hóa đã có 1 giáo viên đạt giải Ba, 1 giáo viên đạt giải khuyến khích.
Song song với công tác đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, lãnh đạo nhà trường luôn xác định yếu tố con người là vấn đề then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo, vì vậy nhà trường chú trọng tạo điều kiện để các cán bộ, giảng viên được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2011 đã có 4 người tốt nghiệp thạc sĩ và 3 người đang theo học khóa đào tạo thạc sĩ trong nước. Bên cạnh đó, nhà trường cũng quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng sự phát triển của nhà trường trong thời kỳ mới và yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Quy hoạch được 19 cá nhân vào các chức danh lãnh đạo giai đoạn 2011-2015 và 15 cá nhân cho giai đoạn 2016-2020. Hoàn thiện công tác tổ chức bộ máy hoạt động của nhà trường, bố trí sắp xếp lại cán bộ lãnh đạo của 8 phòng, khoa trực thuộc một cách khoa học; điều chuyển số lao động hợp đồng đến các vị trí công tác hợp lý hơn; qua đó tập thể cán bộ nhà trường làm việc có hiệu quả và đạt năng suất cao hơn, yêu nghề, yêu trường hơn.
Trong công tác , nhà trường đã cử những cán bộ có tâm huyết và có nhiều kinh nghiệm trong công tác HSSV phụ trách công tác tuyển sinh. Các cán bộ đó trực tiếp đến các trường THCS, THPT tại các huyện, thị xã trong tỉnh; phối hợp với UBND các xã, huyện để nắm bắt nhu cầu học nghề của thanh, thiếu niên, giới thiệu về các ngành nghề đào tạo của nhà trường để phụ huynh và các em nắm bắt thông tin. Thêm vào đó, nhà trường đã phát động toàn thể cán bộ, giáo viên và đặc biệt là HSSV cùng chung sức tuyển sinh với nhà trường. Chính các em học sinh đang trực tiếp học tại nhà trường - nơi các em được rèn đức, rèn nghề, được thụ hưởng các chế độ, chính sách của nhà trường, của tỉnh và Nhà nước, được tham gia phong trào Đoàn, phong trào HSSV, là những tuyên truyền viên đắc lực nhất trong công tác tuyển sinh.
Điều đáng mừng là thời gian gần đây, xã hội cũng đang nhìn nhận lại về vấn đề đào tạo nghề cho thế hệ trẻ, đây cũng là một thuận lợi lớn trong công tác tuyển sinh hiện nay. Các bậc phụ huynh đã nhìn nhận một cách đúng đắn hơn, không nhất nhất phải gò con vào đại học bằng được. Vấn đề quan trọng là học và có nghề phù hợp với khả năng và nhu cầu của xã hội.
Với mục tiêu đưa du lịch Thanh Hóa phát triển xứng tầm trong khu vực và quốc tế, điều tiên quyết là cần phải có nguồn nhân lực chất lượng, có trình độ nghiệp vụ vững vàng và mang tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh và căn cứ theo định hướng phát triển Trường TCN Thương mại Du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2011-2015, cấp ủy Đảng, ban giám hiệu nhà trường xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012 và thời gian tới là:
Một là: Trong công tác tuyển sinh và đào tạo phải tiếp tục cử những cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm phụ trách các đầu mối tuyển sinh, phấn đấu năm 2012, nhà trường sẽ hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao. Phối hợp với các đơn vị liên quan để đào tạo và giới thiệu việc làm miễn phí cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Thanh Hóa. Tiếp tục triển khai đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kinh doanh trong chợ, siêu thị và trung tâm thương mại giai đoạn 2010 – 2015, theo kế hoạch tỉnh giao. Chú trọng đến dạy nghề cho lao động nông thôn và dân tộc vùng cao; có chính sách ưu tiên cho những HSSV là lao động thuộc diện gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ, lao động bị thu hồi đất để xây dựng các công trình công cộng, khu đô thị, khu công nghiệp. Tăng cường phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường và loại hình đào tạo bồi dưỡng, chú trọng tới các chuyên ngành như: kỹ thuật chế biến món ăn, dịch vụ nhà hàng...
Hai là: Trong công tác tổ chức, cán bộ phải tiếp tục củng cố bộ máy quản lý, sắp xếp và bố trí công việc một cách hợp lý hơn nữa cho số lao động hợp đồng của nhà trường; phát hiện và bồi dưỡng kịp thời nguồn nhân lực trẻ có trình độ và năng lực để bổ sung vào nguồn cán bộ quản lý của nhà trường.
Ba là: Xây dựng chi bộ Trường TCN Thương mại Du lịch Thanh Hóa tiếp tục đạt danh hiệu chi bộ trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ phát hiện và bồi dưỡng những quần chúng ưu tú có trình độ, có phẩm chất chính trị và đạo đức để giới thiệu vào Đảng. Công đoàn nhà trường phải tiếp tục quan tâm sâu sát hơn đến đời sống cán bộ, giáo viên và người lao động; đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát hiện và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các tranh chấp lao động và thực hiện các quyền của công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.
Bốn là: Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để hoàn chỉnh nhà trường đạt tiêu chuẩn của một trường TCN, theo tiêu chí mới như: Mở rộng khu nhà giảng đường lý thuyết và thực hành để có thể đáp ứng nhu cầu học tập cho trên 1.000 HSSV thuộc các hệ đào tạo; đầu tư và bổ sung thêm trang thiết bị phục vụ học tập và sinh hoạt cho cán bộ, giáo viên và HSSV; phối hợp với các ngành, các cấp để triển khai xây dựng nhà thực hành dạy nghề du lịch từ nguồn vốn ADB hợp phần của Dự án“Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội TP Thanh Hóa”.
Năm là: Tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng đào tạo theo các chuyên ngành thông qua đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; khuyến khích giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Biên soạn đề cương chi tiết môn học theo chương trình khung mới, hoàn thiện các chương trình đào tạo theo từng chuyên ngành cụ thể, tìm các giải pháp để nâng cao kết quả học tập của HSSV; tăng cường công tác quản lý đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy. Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi mục tiêu đào tạo theo hướng đào tạo đa cấp, đa ngành có chất lượng, hiệu quả. Phấn đấu chậm nhất đến năm 2015, hội đủ điều kiện, tiêu chuẩn để có thể nâng cấp thành trường cao đẳng nghề.
Nguồn: Báo Thanh Hóa
 
0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
914609