Đăng lúc: 14:38:27 24/07/2017 (GMT+7)
Phát triển du lịch ở Vĩnh Lộc – cần bước đột phá
(THO) - Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, kỳ vĩ và nên thơ với rất nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng, mỗi tên đất tên làng, ngọn núi, dòng sông đều thấm đậm truyền thống lịch sử văn hóa và huyền thoại - huyện Vĩnh Lộc có nhiều lợi thế để xây dựng một điểm đến du lịch hấp dẫn. Thế nhưng, tiềm năng này hiện vẫn chưa được phát huy đúng mức...
Thiên nhiên ưu đãi...
Là vùng đất đế đô, nơi dựng nghiệp của Hồ Quý Ly, cũng là đất quý hương của 12 đời Chúa Trịnh. Cùng với Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ - một trong những công trình thành cổ tiêu biểu với lối kiến trúc hết sức độc đáo, cổng thành và những bức tường thành vẫn còn đó nét uy nghi và vững trãi. Những khối đá xanh vuông, có trọng lượng từ 10 - 20 tấn được ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào, tạo nên sự vững chắc đã trường tồn hơn 600 năm. Cùng với đó là các di tích vệ tinh liên quan đến việc xây thành, việc tổ chức tế trời, đến cuộc chiến chống quân Chiêm Thành... như: đền thờ nàng Bình Khương - thờ người con gái đã đập đầu vào đá lấy cái chết để minh oan cho chồng là Cống Sinh Trần Công Sỹ được đảm trách xây thành cửa Đông; là di tích đình Đông Môn – một di tích có kiến trúc độc đáo với những mảng chạm khắc tứ linh, tứ quý rất tinh xảo. Xung quanh thành đá có núi Dục Tượng, Eo Vần, Tứ Linh. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc còn rất nhiều di tích và danh lam, thắng cảnh nổi tiếng có giá trị, như: Khu Di tích Phủ Trịnh, Nghè Vẹt, đền thờ Quốc công Hoàng Đình Ái, Quận công Hoàng Đình Phùng, Đường công Lê Quang Lộc, lăng mộ Triết Vương Trịnh Tùng, chùa - Phủ Báo Ân; đền Tam Tổng, đền Trần Khát Chân; di tích khảo cổ quốc gia đặc biệt - Đàn tế Nam Giao - nơi diễn ra lễ tế trời đất của Nhà Hồ vào tháng 8 năm Nhâm Ngọ (1442); công trường khai thác đá cổ An Tôn, Chùa Giáng, động Hồ Công, Kim Sơn, Tiên Sơn... tạo nên một quần thể di tích, danh thắng phong phú và độc đáo, là tiềm năng để phát triển một ngành nghề mới: Ngành dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, tiềm năng này hiện vẫn chưa được phát huy đúng mức. Khai thác lợi thế này đến đâu đang là vấn đề cần quan tâm của các cấp, ban, ngành và người dân huyện Vĩnh Lộc.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ...
Mang trong mình những tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, nhưng hiện nay vẫn chưa được khai thác triệt để, chưa thực sự thu hút khách du lịch và tạo ra nguồn thu lớn cho huyện. Do xuất phát điểm kinh tế - xã hội của huyện thấp, nguồn thu chủ yếu từ nông nghiệp; các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch hạn chế, do đó việc kết nối bằng đường bộ giữa các di tích, danh thắng trên địa bàn huyện với Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ nhằm bổ trợ, tạo thành những sản phẩm tour khép kín còn khó khăn; các dịch vụ du lịch khá đơn điệu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu cho khách du lịch đến tham quan, đặc biệt là lưu trú, ăn uống và vui chơi giải trí; bản thân Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ trải qua các biến cố lịch sử và sự tàn phá của thiên nhiên nên nhiều hạng mục như lâu đài, cung điện... hiện nay chỉ còn là phế tích; việc đầu tư tôn tạo, phục dựng để hình thành sản phẩm du lịch cần rất nhiều kinh phí và thời gian; trình độ đội ngũ cán bộ quản lý và lao động trực tiếp phục vụ du lịch còn thấp, là trở ngại lớn trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng phục vụ du lịch... Du khách từ trong Nam ra, ngoài Bắc vào, hay từ Sầm Sơn và thành phố lên cũng chỉ là để tham quan nhanh một thời gian ngắn ở Thành Nhà Hồ với việc nhìn ngắm “thành đá”, hoặc đền thờ nàng Bình Khương và Đàn tế Nam Giao mới khai quật rồi lại vội vàng hành trình đến suối cá thần Cẩm Lương hoặc Khu Di tích lịch sử Lam Kinh. Còn các di tích thắng cảnh vệ tinh khác chỉ là sự thăm thú lẻ tẻ không đáng kể. Chính vì vậy mà đã có nhiều nhà nghiên cứu am tường về lĩnh vực du lịch nhận xét: Du lịch ở Thành Nhà Hồ - Vĩnh Lộc là du lịch “nhìn, ngắm nhanh để rồi đi tiếp” bởi vì từ sự thuyết minh đến dẫn dắt du khách, hay dịch vụ du lịch vẫn chưa có sức cuốn hút du khách dừng lâu ở một di tích thành đã “trơ gan cùng tuế nguyệt” này. Sau gần 2 năm trở thành di sản văn hóa thế giới, việc phát triển du lịch ở Vĩnh Lộc, ở Thành Nhà Hồ vẫn đang là bài toán khó đối với lãnh đạo các cấp chính quyền nơi đây. Đó là việc cơ sở hạ tầng du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ; chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; hình ảnh về du lịch Thành Nhà Hồ, du lịch Vĩnh Lộc còn mờ nhạt, chưa gây được ấn tượng riêng. Ngoài ra, còn không ít những khó khăn khác như hạ tầng giao thông yếu, dịch vụ nghèo nàn, nguồn nhân lực lao động du lịch chưa có, sự quản lý Nhà nước về du lịch còn hạn chế, người dân đã quen với sản xuất nông nghiệp, hầu như chưa có khái niệm về kinh doanh dịch vụ du lịch... Đó cũng là lý do số lượng du khách đến với Thành Nhà Hồ chưa tương xứng với giá trị của di sản. Theo thống kê, năm 2011, Thành Nhà Hồ mới chỉ đón 16.000 lượt khách (trung bình mỗi ngày 10-15 lượt khách), chiếm phần lớn trong số đó là học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa. Năm 2012, lượng khách đến huyện Vĩnh Lộc đã tăng lên 62.730 lượt. Và 6 tháng đầu năm 2013 có khoảng 30.000 lượt khách đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn huyện...
Cần bước đột phá
Việc khai thác những lợi thế sẵn có là điều kiện cần thiết, bởi không chỉ tăng trưởng kinh tế mà còn để Vĩnh Lộc trở thành điểm đến hấp dẫn của bạn bè trong và ngoài nước. Hiện huyện Vĩnh Lộc đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển sự nghiệp văn hóa - thể dục - thể thao, trong đó đề cập đến việc quản lý, khai thác có hiệu quả các di tích trọng điểm như Thành Nhà Hồ, Đàn tế Nam Giao, động Hồ Công, quần thể di tích chùa Hoa Long, đền Trần Khát Chân, thắng tích Tiên Sơn... theo định hướng kinh tế du lịch; duy trì đầu tư, nâng cấp lễ hội rước nước, lễ hội Trần Khát Chân, lễ hội Kỳ Phúc ở làng Cẩm Hoàng trở về nguyên gốc truyền thống xa xưa. Trong thời gian tới sẽ lập quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như: Tiếp tục đầu tư tôn tạo Khu Di tích Thành Nhà Hồ, Đàn tế Nam Giao và các di tích vệ tinh; đầu tư xây dựng các nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn; làm hàng lưu niệm; sản xuất hàng hóa đặc sản của địa phương như chè lam, cà Giáng, sâm Báo; đầu tư xây dựng các địa điểm tham quan: Khu Di tích Phủ Trịnh-Nghè Vẹt ở xã Vĩnh Hùng; Khu thắng tích động Kim Sơn, xã Vĩnh An, động Hồ Công, xã Vĩnh Ninh...; xây dựng các tuyến tham quan trong huyện: Thành Nhà Hồ - Làng chài cổ sông Mã và các điểm phụ cận; Thành Nhà Hồ - Chùa Giáng - Đàn tế Nam Giao- động Hồ Công; Thành Nhà Hồ – Phủ Trịnh - Động Kim Sơn...
Để khai thác, biến những tiềm năng này thành ngành kinh tế mũi nhọn, Vĩnh Lộc còn nhiều việc phải làm, đó là đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch một cách bài bản, đầu tư nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, kèm theo chiến lược phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp, dịch vụ - du lịch; quan tâm, mời gọi các nhà đầu tư, các công ty, doanh nghiệp có khả năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển du lịch vào đầu tư và đặc biệt quan trọng là sự nhận thức rõ ràng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển ngành “công nghiệp không khói” này đối với tương lai phát triển của địa phương.
Nguồn: Tô Hà, Báo điện tử Thanh Hóa
0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)
Tin khác
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
914609