Đăng lúc: 11:09:02 19/07/2017 (GMT+7)
Thanh Hóa - mắt xích quan trọng trong chuỗi di sản khu vực
Lê Dung (thực hiện). (THO) - Văn hóa một dân tộc do lớp lớp các thế hệ người của dân tộc ấy sáng tạo, bồi đắp. Chúng ta, những người kế thừa và hưởng thụ, cũng là người “gạn đục khơi trong” để dòng chảy văn hóa ấy luôn liền mạch, liên hoàn. Trao đổi với chúng tôi xung quanh chủ đề này, đồng chí Vương Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc phát huy các giá trị để văn hóa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Thanh Hóa sẽ tham gia một cách chủ động, tích cực, hiệu quả vào năm du lịch di sản...
Phóng viên (PV): Với số lượng lớn các di tích, danh lam thắng cảnh và gần đây nhất là Thành Nhà Hồ được vinh danh Di sản Văn hóa thế giới, đồng chí đánh giá;. Các hoạt động này nhằm mục đích quảng bá với du khách những điểm đến hấp dẫn, qua đó thúc đẩy du lịch nội địa phát triển.
Với Thanh Hóa, Năm Du lịch Di sản 2012 mở ra cơ hội lớn để tỉnh ta giới thiệu đến đông đảo du khách trong và ngoài nước hình ảnh một vùng đất vốn được thiên nhiên và lịch sử ưu ái ban tặng nguồn tài nguyên du lịch phong phú, người dân thân thiện, mến khách. Với số lượng lớn các di tích, danh thắng được xếp hạng, Thanh Hóa có đủ cơ sở để tham gia một cách chủ động, tích cực, hiệu quả vào các hoạt động của Năm Du lịch Di sản, cũng như trở thành mắt xích quan trọng trong việc kết nối chuỗi di sản của khu vực, ví như có thể bắt đầu từ Thành Nhà Hồ đến Phong Nha - Kẻ Bàng, thành cổ Quảng Trị, qua Cố đô Huế, vào Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An...
PV: Để thể hiện được “chiều sâu và thế mạnh” di sản xứ Thanh, ngoài việc quảng bá các di sản văn hóa vật thể đến du khách thì sự “tham gia” của các loại hình văn hóa phi vật thể là hết sức cần thiết. Vậy thưa đồng chí, các loại hình văn hóa phi vật thể sẽ đóng vai trò như thế nào trong các hoạt động của Năm Du lịch 2012 tại Thanh Hóa?
Đồng chí Vương Văn Việt: Nếu các di sản vật thể là sản phẩm - tài sản vật chất, là sự biểu hiện một cách đầy đủ tài năng và trí tuệ của con người, thì di sản phi vật thể là sản phẩm của tinh thần, biểu lộ rõ nhất chiều sâu tâm hồn con người. Hai giá trị này luôn song hành để bổ sung và làm cho cuộc sống con người ngày càng sống động. Bởi vậy, sẽ là thiếu sót lớn nếu trong việc quảng bá du lịch chỉ chú ý đến việc giới thiệu các di sản vật thể.
Thanh Hóa là cái nôi của trò Xuân Phả, của các điệu dân ca dân vũ Đông Anh; là quê hương của lễ hội Lam Kinh, Bà Triệu nổi tiếng khắp cả nước; là nơi sản sinh nhiều trò chơi, trò diễn độc đáo... Đây là tài sản tinh thần quý giá, đóng vai trò hạt nhân trong các hoạt động văn hóa của Năm Du lịch Di sản 2012 tại Thanh Hóa, cũng như góp phần tạo nên sức hấp dẫn riêng cho du lịch xứ Thanh.
PV: Thanh Hóa sẽ xây dựng và giới thiệu đến du khách những sản phẩm du lịch gì để có thể đáp ứng các yêu cầu về sự “độc đáo, hài hòa, tránh trùng lặp và phát huy thế mạnh của địa phương”, thưa đồng chí?
Đồng chí Vương Văn Việt: Dựa vào các lợi thế về thiên nhiên (rừng, biển) và sự đa dạng của các di tích, danh lam thắng cảnh, Thanh Hóa có điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái cộng đồng... Đây cũng đồng thời là cơ sở để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, mang sắc thái riêng của xứ Thanh. Chẳng hạn “Hành trình qua các kinh đô cổ” Lam Kinh, Thành Nhà Hồ; du lịch sinh thái qua Vườn Quốc gia Bến En, các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, du lịch khám phá vùng biên bằng đường bộ, trong đó lấy chợ Na Mèo (Quan Sơn) là điểm thu hút...
Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, “chìa khóa” mở rộng cánh cổng nhìn ra thế giới...
PV: Có thể xem sự kiện Lễ đón Bằng công nhận Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ là một trong những điểm nhấn quan trọng của du lịch Thanh Hóa năm 2012, thưa đồng chí?
Đồng chí Vương Văn Việt: Đúng vậy! Đây sẽ là sự kiện văn hóa lớn nhất, quan trọng nhất của Thanh Hóa trong năm 2012. Sự kiện này thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, do vậy nó mở ra “cơ hội vàng” cho việc quảng bá du lịch, cũng như ghi nhận sự đóng góp nổi bật của Thanh Hóa vào Năm Du lịch Di sản 2012.
PV: Vậy, để sự kiện ấy thể hiện được đầy đủ ý nghĩa và tầm vóc của nó, mà trước hết như là sự ghi nhận và vinh danh truyền thống lịch sử văn hóa và trí tuệ con người đã đổ xuống mảnh đất này, thưa đồng chí, công tác chuẩn bị đang được triển khai ra sao?
Đồng chí Vương Văn Việt: Lễ đón Bằng công nhận Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ là sự kiện thể hiện sự tri ân của hậu thế đối với di sản văn hóa cha ông để lại. Qua đó khẳng định trí tuệ và tài năng tuyệt vời của con người Việt Nam, giới thiệu những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đến du khách trong nước và quốc tế... Do vậy, sự kiện này sẽ được tổ chức trang trọng, hoành tráng, đúng nghi thức quốc gia và yêu cầu của UNESCO, đồng thời bảo đảm an toàn, thiết thực và tiết kiệm.
Dự kiến, Lễ đón Bằng sẽ diễn ra trong 2 ngày, vào trung tuần tháng 6-2012, với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như “Hội chợ quê”, “Khoảnh khắc Thành Nhà Hồ”, liên hoan văn hóa các dân tộc Thanh Hóa, liên hoan Vũ điệu Trống, hội thi đua thuyền trên sông Mã, chương trình nghệ thuật sân khấu hóa với chủ đề “Thành Tây Đô - Niềm tự hào Đại Việt”... Từ nay đến khi diễn ra sự kiện, công tác chuẩn bị đang được các cấp, các ngành tiến hành khẩn trương. Ban chỉ đạo, ban tổ chức đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho 5 tiểu ban tuyên truyền, nội dung - khánh tiết, lễ tân - hậu cần, xây dựng cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự. Các yêu cầu về cơ sở hạ tầng và xây dựng nội dung buổi lễ cũng đang được triển khai, trong đó tập trung đầu tư, chỉnh trang nâng cấp các Quốc lộ 45, 217, các tuyến đường về Thành Nhà Hồ, nơi ăn nghỉ, bãi đỗ xe... phục vụ du khách; xây dựng kịch bản Lễ đón Bằng, tổ chức cho diễn viên tập luyện, mời các tỉnh tham gia liên hoan Vũ điệu Trống, phát động cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc Thành Nhà Hồ”...
Để sự kiện này tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, công tác tuyên truyền được đặc biệt chú trọng. Từ tháng 12-2011, ban tổ chức đã phối hợp với các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, website... nhằm quảng bá sâu rộng về Thành Nhà Hồ; xây dựng các ấn phẩm, vật phẩm, quà lưu niệm... thể hiện sinh động hình ảnh về di sản này. Dự kiến, công tác chuẩn bị sẽ hoàn tất trong tháng 5-2012.
PV: Thành Nhà Hồ được UNESCO vinh danh đã mang lại một “thương hiệu đặc biệt” cho văn hóa xứ Thanh. Để thương hiệu ấy phát huy hiệu quả trong việc đưa hình ảnh đất và người tỉnh Thanh ra bên ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia, những giải pháp nào được đề ra trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Đồng chí Vương Văn Việt: Trải qua một hành trình dài, nhiều khó khăn cuối cùng Thành Nhà Hồ đã được vinh danh trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại. Để di sản này trở thành “chìa khóa” mở rộng cánh cổng nhìn ra thế giới, tỉnh ta còn nhiều việc phải làm. Trước hết là làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di sản trên các phương tiện truyền thông và bằng các ấn phẩm đặc biệt; đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với di sản; giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của di sản, qua đó kêu gọi cộng đồng tham gia bảo vệ, gìn giữ di sản. Triển khai thực hiện những cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh với Ủy ban Di sản thế giới về việc bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị Di sản Thành Nhà Hồ. Được vinh danh đã khó, nhưng khó hơn nữa là gìn giữ được danh hiệu ấy. Muốn vậy, công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, gìn giữ và phát huy các giá trị của di sản phải được đặt lên hàng đầu.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản bằng cả tình cảm và trách nhiệm...
PV: Phát huy giá trị các di sản trong phát triển du lịch, trước hết phải thu hút du khách đến với di sản ấy. Để di sản tạo sức hút, ngoài việc quảng bá, tuyên truyền thì công tác bảo tồn - như đồng chí đã khẳng định - phải được đặc biệt chú trọng. Nhưng đây cũng là vấn đề hết sức phức tạp.
Thưa đồng chí, công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích, di sản của tỉnh ta hiện nay đang gặp những khó khăn gì?
Thanh Hóa sẽ khắc phục những hạn chế, khó khăn ấy ra sao trong Năm Du lịch Di sản 2012?
Đồng chí Vương Văn Việt: Mặc dù tỉnh ta có nhiều di tích, thế nhưng do tác động của thời tiết, chiến tranh và sự hủy hoại của con người nên không ít trong số đó đang ngày càng xuống cấp hoặc trở thành phế tích. Điều này khiến cho công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ di tích gặp không ít khó khăn. Vì các di tích luôn đứng trước nguy cơ bị xâm phạm từ các yếu tố nêu trên, nên nguồn kinh phí đầu tư sẽ rất lớn và thường xuyên. Tuy nhiên, kinh phí cũng mới là điều kiện cần, bởi bảo vệ, chống xuống cấp di sản là việc làm hết sức phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao. Bởi vậy, nhiệm vụ này cần đến đội ngũ những người có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cao và chuyên sâu; song, đây lại là khâu ta đang vừa thiếu lại vừa yếu.
Hướng tới Năm Du lịch Di sản 2012, tỉnh ta đang ra sức huy động các nguồn lực, các thành phần xã hội - bằng trách nhiệm và tình cảm - tham gia bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, gìn giữ và phát huy giá trị di tích, di sản; đồng thời tích cực triển khai các biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân và du khách về trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ..., tránh xâm phạm đến các giá trị của di tích, di sản.
PV: Gắn di tích, di sản với du lịch có thể là xu hướng tất yếu hiện nay khi du lịch vừa có thể quảng bá hình ảnh và giá trị của di sản, vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Song, ở phương diện nào đó, “kinh doanh văn hóa” cần được tính toán rất kỹ nếu không muốn việc thương mại hóa sẽ làm xấu hình ảnh, thậm chí hủy hoại giá trị linh thiêng của di sản. Thưa đồng chí, đây phải chăng cũng là vấn đề đáng cho chúng ta lưu tâm?
Đồng chí Vương Văn Việt: Đúng vậy. Ví như ta có thể xây dựng ngôi chùa trong một sớm một chiều. Nhưng phải mất hàng trăm năm, với tất cả những rong rêu, thăng trầm ngôi chùa ấy mới chứa đựng đầy đủ các giá trị linh thiêng. Điều đó khẳng định rằng, các giá trị văn hóa cần phải có thời gian mới có thể định hình, hoàn thiện. Do vậy khi khai thác đòi hỏi chúng ta phải hết sức thận trọng nếu không muốn phải trả giá đắt!
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh!
Nguồn: Báo Thanh Hóa
Tin khác
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
914609